Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn?

tltnghi.sct
06/02/23
0
1008 lượt xem

Thế nào là thương hiệu trường tồn? Doanh nghiệp Việt làm gì khi phải cạnh tranh với những thương hiệu toàn cầu có cả trăm năm kinh nghiệm và danh tiếng?

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 1.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những doanh nghiệp Việt hàng đầu đã cùng chia sẻ câu chuyện xây dựng thương hiệu trường tồn tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu trường tồn” do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Viện Kinh doanh quốc tế (ISB) thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 6-1.

* Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM:

Thương hiệu cần có mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng. Đồng thời, thương hiệu được xây dựng không nên chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng.

Dù khó nhưng xây dựng thương hiệu trường tồn là mục tiêu không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Riêng những thương hiệu nhỏ hay mới xuất hiện cần có sứ mệnh cụ thể để nhanh chóng giành được thiện cảm từ người tiêu dùng, hay từng bước tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đối với thương hiệu đã phát triển vững mạnh nhiều năm trong nước thì phải sẵn sàng để vươn mình ra thị trường quốc tế. Đưa thương hiệu Việt phát triển toàn cầu sẽ giúp ích trong việc nâng cấp hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 2.
TS Thái Đàm Huy Trung – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* TS Thái Đàm Huy Trung, giảng viên cao cấp, Viện ISB, Đại học Kinh tế TP.HCM:

Xây dựng một thương hiệu trường tồn cần tập trung vào ba câu hỏi: Chứng thực là gì? Tại sao chứng thực quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và chúng đang được áp dụng như thế nào?

Chứng thực liên quan đến bất kỳ thông điệp của thương hiệu, sản phẩm, sự kiện… mà người tiêu dùng có thể tin tưởng, phản ánh ý kiến, niềm tin… Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng hiện nay rất khác với thời kỳ chưa có mạng xã hội.

Việc chứng thực thương hiệu được thực hiện qua ba đối tượng là chuyên gia, người nổi tiếng và người tiêu dùng thông thường. Và nhờ thế ảnh hưởng của người tiêu dùng tác động hơn đến một thương hiệu.

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 3.

* Ông Lê Quốc Vinh, tổng giám đốc Le Invest (Holdings) Corporation:

Nếu nghĩ thương hiệu chỉ là bán sản phẩm thì chưa đủ. Quan trọng là thương hiệu phải thể hiện cá tính, gắn với thông điệp nào đó.

Để trở thành thương hiệu trường tồn thì phải được khách hàng yêu mến, và mỗi thương hiệu phải có thông điệp để người tiêu dùng hướng đến, gắn bó và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm lâu dài.

Thương hiệu tốt là chinh phục khách hàng bằng lòng trung thành, đó không chỉ sản phẩm tốt mà vượt trên đó, là sự yêu mến vì thương hiệu nhờ sự đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Người tiêu dùng không mua thứ bạn đã làm ra mà mua vì lý do doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó.

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 4.
Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Lê Trí Thông, tổng giám đốc PNJ:

Thương hiệu trường tồn nhưng “tồn” theo nghĩa nào? Tồn tại hay tồn kho? Đó là những thách thức buộc doanh nghiệp phải “tiến hóa” không ngừng, tăng kết nối người dùng nhiều thế hệ.

Xây dựng thương hiệu trường tồn không có công thức chung, tuy nhiên vẫn sẽ có một vài nguyên lý.

Đầu tiên, phải đạt hiệu quả về tài chính, thông thường nhìn giá trị tài chính, các giá trị này sẽ được hiển thị bằng các con số như doanh thu, view, cú nhấn chuột… nhưng những nhà quản trị cũng sẽ ráng nhìn thêm giá trị tiềm năng mà thương hiệu mang lại. Và bản chất thương hiệu đã là cảm xúc.

Chúng tôi vẫn hay hỏi nhau cần làm thương hiệu như bắn pháo hoa, tức bay bổng, nghe tiếng nổ vui tai và nhanh tắt hay là theo kiểu bắn pháo binh, phải có đầu đạn để tạo ra tính sát thương cao (hiệu quả với người dùng – PV). Vậy bắn đẹp hay hiệu quả, thì doanh nghiệp phải đo lường được.

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 5.
Ông Mai Hữu Tín – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Mai Hữu Tín, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U&I:

Khủng hoảng là lúc sàng lọc những giá trị không thật. Sẽ không có một công thức chung hay tỉ lệ cụ thể nào để xây dựng một thương hiệu trường tồn. Chúng ta phải làm thật và tạo ra giá trị thật.

Tôi thích câu nói của Mike Tyson: “Ai cũng có kế hoạch cả, cho đến khi bị đấm vỡ mồm”. Nếu doanh nghiệp bỏ đồng tiền ra để làm thương hiệu mà không tính toán được giá trị thực đem lại thì tốt nhất là đừng làm.

10 năm nữa thương hiệu của chúng tôi biến mất? Chúng ta sẽ bán thương hiệu cho người khác thì sao? Không thể loại trừ khả năng xảy ra của một thương hiệu, ai sở hữu không quan trọng mà thương hiệu đó phát triển như thế nào.

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 6.
Ông Nguyễn Đức Tài – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế Giới Di Động (MWG):

Bách Hóa Xanh từng có bài học lớn trong dịch COVID-19. Nhìn nhận của CEO thời điểm đó ưu tiên giải quyết sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhưng cái dở của hệ thống là chưa kiểm soát tốt và chưa ý thức hết những nhạy cảm với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng dễ tha thứ nếu mình làm thật. Nhìn vào lượng khách đến các cửa hàng trong chuỗi đang tăng lên 30-40% so với trước và doanh thu cũng tăng lên, chúng tôi thấm thía chỉ khi làm điều thật thì người tiêu dùng mới quay lại.

Giả sử trong 10 năm nữa thương hiệu của mình biến mất thì sao? Việc biến mất của một thương hiệu còn tùy thuộc rất nhiều vào tư duy mình muốn nghỉ ngơi hay tiếp tục vai trò dẫn đầu và củng cố nó.

Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn? - Ảnh 7.
Ông Nguyễn Quang Trí – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Nguyễn Quang Trí, giám đốc điều hành Marketing Vinamilk:

Xây dựng giá trị thương hiệu là phải thật từ tâm. Khi tham gia các hội thảo về thương hiệu, mọi người thích nghe thông điệp cảm xúc. Lý tính hay cảm tính khi làm thương hiệu đều quan trọng.

Xây dựng thương hiệu chúng tôi chưa bao giờ chủ quan, chúng tôi có bộ phận chiến lược xác định, tư vấn cho hội đồng quản trị… để thương hiệu không chỉ loay hoay với những sản phẩm quen thuộc trong khi thị trường, thị hiếu người dùng thay đổi.

Nếu người ta không ăn đạm động vật thì sao? Chúng tôi phải tiến vào mảng mới nào? Đâu là cơ hội tăng trưởng trong tương lai? Trả lời các câu hỏi này là để thương hiệu tồn tại với thị trường, người tiêu dùng.

Theo bà Đặng Thúy Hà, giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, NielsenIQ Việt Nam, những lợi thế khi sở hữu thương hiệu mạnh là có thể tăng doanh số (thị phần), khả năng gia tăng hiệu quả truyền thông bởi các quảng cáo của họ được ghi nhớ tốt hơn.

Hơn thế nữa, thương hiệu mạnh có nhiều khách hàng trung thành, ít bị tác động từ những hoạt động marketing của đối thủ; có thể đặt mức giá cao hơn đối thủ do có lợi nhuận cao hơn.

Kết quả khảo sát của NielsenIQ Việt Nam cho thấy thói quen tiếp cận các kênh truyền thông đã thay đổi. Tại Việt Nam, Facebook, Zalo và YouTube là ba kênh truyền thông phổ biến nhất với tất cả nhóm tuổi (Gen X, Gen Y, Gen Z).

Đối với Gen Z, TikTok là nền tảng có độ phủ nhanh nhất.

Nguồn: https://tuoitre.vn/