(KTSG Online) – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG), ông Cô Gia Thọ, đã có nhận định như trên khi nói về chiến lược trong chuyển đổi số doanh nghiệp tại buổi talkshow được điều phối bởi ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch BIT Group.
Chia sẻ tại buổi talkshow “Lãnh đạo và chiến lược “bẻ gãy” trong chuyển đổi số”, ông Thọ cho rằng “bẻ gãy” là phải thay đổi, đổi mới. Trong chuyển đổi số doanh nghiệp cần phải mạnh dạn chấp nhận thử thách, “bẻ gãy” những cái cũ không còn hợp thời. Theo ông, thà là không làm, chứ khi đã làm phải có tư duy rõ ràng. Doanh nghiệp phải đặt ra việc mình chuyển đổi số là vì cái gì và cuối cùng có giúp cho doanh nghiệp mình tối ưu, hiệu quả hơn ở những phương diện cụ thể trong hoạt động.
Còn nếu cho rằng chuyển đổi số là một quyết định hợp thời, là xu hướng như thời trang thì cần phải bẻ gãy ngay tư tưởng đó. “Đừng có làm theo tư duy hợp thời, những cái gì làm vì hợp thời thì cũng chóng tàn”, ông Cô Gia Thọ nói.
Mặt khác, cách tiếp cận “chuyển đổi số” bằng công nghệ cũng cần bẻ gãy. Theo ông Thọ, cách tiếp cận đúng là đi từ mục tiêu, chẳng hạn như dùng công nghệ để trở nên thông minh hơn trong việc ra quyết định. Trừ khi doanh nghiệp là một công ty công nghệ, còn lại theo ông Thọ: “Công nghệ vốn sinh ra để phục vụ mục tiêu doanh nghiệp, tự nó không phải là một mục tiêu”.
Ngoài ra, cần bẻ gãy ý đồ dùng chuyển đổi số để tạo ra một cuộc trình diễn công nghệ phức tạp và hoành tráng cho người dùng. Ông Thọ lưu ý, con người đứng trên công nghệ và dùng công nghệ. Do đó, doanh nghiệp cần phải hãy là Business Leader, đừng có trở thành Data Reader hay là Tech Follower.
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, TLG luôn nhận thức, kịp thời đổi mới, trải qua nhiều bước chuyển mình để trở thành một trong những công ty văn phòng phẩm có mức tăng trưởng doanh thu cao. Với những kinh nghiệm của mình, ông Thọ cho rằng thành công không đến chỉ với một chiến lược hiệu quả mà còn phụ thuộc vào tư duy của nhà lãnh đạo. TLG đang có những định hướng quan trọng trong ứng dụng chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy lãnh đạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chú trọng chuyển giao thế hệ nhằm thực hiện chiến lược “bẻ gãy” trong thời kỳ đổi mới.
Nhận câu hỏi vai trò của nhà lãnh đạo ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp trong thời kỳ mới với rất nhiều biến động, ông Thọ cho rằng biến động tạo nên sự ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng của nó không quá lớn.
Ảnh hưởng lớn nhất nằm ở bên trong cái tôi của mỗi người lãnh đạo, đứng trước những khó khăn thách thức, liệu họ có đủ can đảm để vượt qua nó hay không. Vì thế không riêng ông Thọ mà tất cả các cấp lãnh đạo của Thiên Long Group đều có một tinh thần “ownership” và “leadership” rất cao. Họ hạ thấp cái tôi của mình vì đại cuộc, họ không muốn chỉ mãi ở vùng an toàn mà phải vươn lên, đương đầu với những thử thách khó khăn để cống hiến và xây dựng Thiên Long Group ngày càng vững mạnh và phát triển.
Ngoài ra, trong buổi talkshow, ông Thọ cũng đã chia sẻ hành trình 40 năm của Thiên Long và cách mà Thiên Long đã vượt qua đại dịch. Ông Thọ cho rằng bước qua nhiều giai đoạn của quá trình hơn 40 năm hoạt động, liên tục chuyển đổi mô hình từ một cơ sở sản xuất nhỏ, phát triển lên tổ hợp, lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, và niêm yết trên sàn chứng khoán…, Thiên Long đã học hỏi được quá trình đó mà lớn mạnh. Trải qua thời kỳ đổi mới nền kinh tế, có sự thích ứng về nhiều sự đổi thay, nên dù hiện dịch bệnh gây ra khó khăn, Thiên Long cũng đã nhanh chóng thích ứng.
Hiện nay doanh nghiệp văn phòng phẩm đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường chung của ngành có xu hướng giảm sử dụng do công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển,
Tuy nhiên, theo ông Thọ, ngành này trên thế giới vẫn còn tăng trưởng. Riêng TLG ở Việt Nam còn tăng trưởng hơn các nước. Ngoài ra, không để đến khi hết tăng trưởng rồi mới chuyển mình, Thiên Long đã sớm tái cấu trúc thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn.
Ngoài ra, TLG hiện có quỹ khá lớn để đi đầu tư. TLG nhìn một doanh nghiệp startup hoặc doanh nghiệp gọi vốn bằng chính giá trị của họ với cộng đồng và giá trị tương hợp vào hệ sinh thái của công ty. Theo ông Thọ, bất kỳ một startup, doanh nghiệp trẻ nào có những ý tưởng và sản phẩm đột phá với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cộng đồng tương hợp với hệ sinh thái đầu tư của TLG, hãy cứ tìm đến tập đoàn. “Từ đầu tư, góp vốn cho đến việc hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, năng lực thương mại hoặc trở thành khách hàng lớn của bạn… tất cả đều được cởi mở”, ông Thọ nói.
Buổi talkshow online “Lãnh đạo và chiến lược “bẻ gãy” trong chuyển đổi số ngày 1-12 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA HCM) và BIT Group phối hợp tổ chức với mong muốn giải đáp những thắc mắc và tìm được hướng đi cho các doanh nghiệp. Buổi Talkshow đã thu hút hơn 1.200 khán giả đang là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trưởng các bộ phận, phòng ban quan tâm đến vấn đề ứng dụng chiến lược “bẻ gãy” trong doanh nghiệp và thực hiện chuyển đổi số để kinh doanh hiệu quả trong và sau dịch.
Theo KTSG
Bài viết liên quan
Xây dựng thương hiệu từ nỗ lực lan tỏa tinh thần doanh chủ bền vững
(KTSG Online) – Với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy một cộng đồng doanh nghiệp
Th5
Xây dựng và phát triển thương hiệu: chính trực để trường tồn
(KTSG Online) – Khi rơi vào tình huống khủng hoảng thương hiệu, doanh nghiệp không
Th2
Để thương hiệu trở thành biểu tượng
(KTSG) – LTS: Thương hiệu và xây dựng thương hiệu luôn được các nhà sản
Th2
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung và CEO KIDO Trần Lệ Nguyên bật mí chuyện xây dựng thương hiệu
‘Xây dựng thương hiệu không phải một ngày, mà nó là một hành trình và
Th2
Các doanh nghiệp Việt dẫn đầu làm gì để xây dựng thương hiệu trường tồn?
Thế nào là thương hiệu trường tồn? Doanh nghiệp Việt làm gì khi phải cạnh
Th2
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn tham gia diễn đàn ‘xây dựng thương hiệu trường tồn’
Xây dựng thương hiệu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây do
Th1