Dệt may hậu Covid: Cần tập trung cho khâu thiết kế – xây dựng thương hiệu

tltnghi.sct
21/10/21
0
2495 lượt xem

(KTSG) – Bên cạnh tăng tỷ lệ nội địa hóa và “sản xuất xanh”, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp dệt may là cần khắc phục quy trình vận hành kết hợp với đầu tư công nghệ và xây dựng được thương hiệu thay vì chủ yếu làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài.

Thông tin này được các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp nêu ra tại Tọa đàm chuyên ngành dệt may do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức trực tuyến cuối tháng 12 vừa qua.

Chia sẻ đơn hàng và chuyển đổi số để vượt qua đại dịch

Từ chỗ “gần như tuyệt vọng” do những đợt giãn cách kéo dài tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, dệt may đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng cuối năm. Nhờ đó, khép lại năm 2021 xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,2% so với năm 2020. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngành dệt may trong bối cảnh kinh tế bị tác động nặng nề đại dịch Covid-19.

Chia sẻ về những giải pháp đã triển khai để vượt qua khó khăn trong giai đoạn vừa qua, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM (Agtex), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, cho biết trước hàng loạt những khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội, Việt Thắng Jeans đã phải linh hoạt chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp ở những địa phương khác để giảm thiểu rủi ro. Công ty cũng thảo luận khách hàng để giãn cách đơn hàng, nhờ hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu từ các nước khác. Doanh nghiệp cũng tăng cường liên kết với người lao động thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 28 (Agtex 28), chia sẻ việc triển khai “3 tại chỗ” cùng với các chính sách lương thưởng tốt để người lao động yên tâm sản xuất đã giúp doanh nghiêp đáp ứng kịp các đơn hàng cần giao gấp. “Ngoài các đơn hàng xuất khẩu, tại Agtex 28 còn có các đơn hàng quốc phòng phục vụ cho quân đội là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên không thể chậm trễ tiến độ”, ông Thắng nói, và cho biết việc chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp trong hiệp hội và trong tập đoàn đã giúp Agtex 28 kịp thời yêu cầu giao hàng. Nhờ chăm sóc tốt người lao động trong lúc dịch bệnh nên khi nền kinh tế mở cửa thì lực lượng lao động quay trở lại làm 85-90%.

PGS.TS. Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB, tâm đắc trước thông tin Việt Thắng Jeans và Agtex 28 đã chủ động chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp khác. Muốn chia sẻ đơn hàng thì doanh nghiệp cần phải “chuẩn” nhà cung ứng và nhà sản xuất phải đạt yêu cầu của khách hàng. “Điểm này cho thấy nhà cung cấp cần tăng cường năng lực, chuẩn hóa quy trình quản lý để khẳng định năng lực sản xuất”, ông Quân nói.

Ở góc độ chuyên gia đồng hành cùng doanh nghiệp cải tiến sản xuất, TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng bộ môn Công nghệ hóa học và vật liệu (Đại học Công nghiệp TPHCM), cho rằng trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp đã rất linh hoạt và sẵn sàng cải tiến, sẵn sàng chuyển đổi số để có thể tồn tại. “Họ nhìn thấy hiệu quả từ các tập đoàn lớn khi vẫn vận hành trơn tru trong suốt đại dịch, nên họ rất tích cực chuyển đổi số ngay khi dịch bệnh đang phức tạp. Chúng tôi đã đưa cho họ những cải tiến và họ đều triển khai ngay”, bà Phượng nói.

Các doanh nghiệp dệt may cần phải thích ứng rất nhanh; đồng thời cần phải đổi mới, nhất là đầu tư công nghệ hiện đại thì mới có thể cạnh tranh. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Đầu tư công nghệ, chuyển dần sang sản xuất xanh

Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng cơ hội xuất khẩu đối với sản phẩm dệt may rất lớn, nhất là trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết đang mở ra nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm và nhà cung cấp ngày càng khắt khe hơn.

Ngoài việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để được ưu đãi thuế từ các FTA, các nhãn hàng còn yêu cầu sản xuất xanh, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng cường tái chế chất thải, có trách xã hội, và thân thiện môi trường…

“Nhiều khách hàng của Agtex 28 đã yêu cầu chúng tôi phải thực hiện các quy trình về sản xuất xanh này”, ông Thắng chia sẻ, và cho biết trong năm 2021 cũng như chiến lược phát triển năm năm tới, Agtex 28 tập trung ngân sách rất lớn cho hoạt động này, cụ thể là đầu tư các thiết bị thay thế cho nhân công, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn nguồn nước để đảm bảo sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường…

Theo ông Minh Quân, người tiêu dùng có trách nhiệm quan tâm xuất xứ sản phẩm, sự an toàn trong sản xuất, phúc lợi đời sống người lao động,… Trên bình diện chung, những vấn đề này Việt Nam đang được đánh giá rất tốt. “Hình ảnh tốt này đã tạo nên thương hiệu Made in Vietnam và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”, ông Quân nói.

Trong khi đó, theo ông Việt, trước khó khăn do dịch bệnh và cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các doanh nghiệp cần phải thích ứng rất nhanh; đồng thời cần phải đổi mới, nhất là đầu tư công nghệ hiện đại thì mới có thể cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhận thấy được xu thế này và rất muốn cải tiến, nhưng lại không có tiềm lực.

Mặt khác, dù được xếp vào tốp 2 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng trên bản đồ dệt may toàn cầu lại thiếu vắng thương hiệu may mặc của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, tại tọa đàm các ý kiến cho rằng bên cạnh sản xuất gia công cho các thương hiệu nước ngoài, doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu riêng để nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế doanh nghiệp.

Cả Việt Thắng Jeans và Agtex 28 cũng có thương hiệu riêng tương ứng là V-SixtyFour và Belluni đang được đẩy mạnh ở thị trường trong nước. Tuy nhiên ở thị trường quốc tế thì chưa được biết đến. Về năng lực sản xuất, các ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt có thể làm được những sản phẩm chất lượng tốt và đáp ứng các điều kiện khắt khe của các nước. Tuy nhiên, để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm thì khâu xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường công phu và tốn kém mà rất cần sự hỗ trợ kênh xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý.

Với vai trò là Phó chủ tịch Agtex, ông Việt kiến nghị TPHCM cần hình thành trung tâm dệt may với bốn chức năng, trong đó, ông lưu ý chức năng đào tạo nhân lực để có thể “sản sinh” các nhà thiết kế giỏi. Bởi lẽ muốn phát triển chuỗi cung ứng thì phải có khâu thiết kế – xây dựng thương hiệu, vì đây là khâu có giá trị gia tăng lớn nhất của ngành. Trong khi bốn công đoạn từ bông, sợi, wash đến may thì giá trị không cao. “Toàn bộ bốn công đoạn này chỉ bằng khoảng 40% tổng giá trị của sản phẩm”, ông Việt nói.

Liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ ngành, theo bà Phượng, Chính phủ đã tạo nhiều cơ chế mở để hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp phát triển và hội nhập. “Doanh nghiệp dệt may đứng đầu được chính sách hỗ trợ về thuế, vốn ưu đãi, đào tạo, cải tiến…”, bà Phượng nói. Tuy nhiên, vai trò của các Hiệp hội, hội ngành nghề; các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương, các cục thuộc các bộ chậm triển khai, chưa làm tốt vai trò “cầu nối” các chính sách tốt này đến với doanh nghiệp.

Theo KTSG