(KTSG) – Thương hiệu là đại diện của tất cả mọi thứ doanh nghiệp làm và mọi nơi họ xuất hiện. Vì thế, thương hiệu có thể kể một câu chuyện về doanh nghiệp và lan tỏa nó bằng chất lượng sản phẩm hay giá trị người đứng đầu.
Nhận thức rằng thương hiệu là tài sản vô giá nên các doanh nghiệp đều cố gắng xây dựng và bảo vệ bằng nhiều cách khác nhau. Thông qua câu chuyện của các doanh nghiệp, có thể thấy chuyện xây dựng thương hiệu có thể khác nhau nhưng tinh thần và khát vọng phát triển là tương tự. Hãy cùng nghe quan điểm của những người trong cuộc về chiến lược xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Chuyện khởi nghiệp tầm cao của King Coffee
King Coffee là một trang mới trong sự nghiệp 20 năm kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với vai trò Tổng giám đốc Công ty TNHH TNI. Câu chuyện xây dựng thương hiệu King Coffee cũng được bắt đầu theo cách tương đối đặc biệt: xây dựng từ nước ngoài trước khi trở về trong nước.
Theo bà Diệp Thảo, với quy trình ngược này, doanh nghiệp muốn dành loại cà phê tốt nhất cho xứ sở của mình. Khi đã định hướng chuẩn chất lượng cao nhất để chinh phục thị trường quốc tế thì sẽ phát triển bền vững, dù ở bất cứ thị trường nào. Nếu coi việc xây dựng King Coffee là công cuộc khởi nghiệp lần 2 của bà thì đây sẽ là dự án khởi nghiệp ở tầm cao và những thử thách lớn.
“Tôi đã chọn nền tảng văn hóa lâu đời của Việt Nam làm xuất phát điểm và thổi hồn Việt Nam vào thương hiệu cà phê King Coffee. Với thương hiệu phù hợp, cách phát triển phù hợp để truyền thông với thế giới, tôi tin người tiêu dùng các nước sẽ ủng hộ King Coffee và cà phê Việt Nam”, bà Thảo cho hay.
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tình huống này, King Coffee đã liên kết với các tổ chức, cá nhân có mạng lưới tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đang gặp khó khăn về nguồn hàng, để họ trở thành đại lý phân phối. Nhờ vậy, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, King Coffee đã mở rộng thị trường từ 61 nước lên hơn 120 nước giúp tăng trưởng thị trường quốc tế năm 2020 lên đến 200%.
Câu chuyện về sự nỗ lực xoay chuyển linh hoạt để giữ vững và phát triển thương hiệu ra quốc tế của King Coffee đang tạo nhiều cảm hứng.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, Thương hiệu vàng TPHCM không đơn thuần là giải thưởng mà còn biểu trưng cho sự đồng hành của TPHCM với doanh nghiệp bằng những giá trị tích cực. Đây là động lực để doanh nghiệp tiếp tục duy trì nguồn năng lượng cho việc xây dựng thương hiệu Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đầy thử thách hiện nay. Bà kỳ vọng, thông qua giải thưởng này, nguồn năng lượng tích cực được lan tỏa để nhiều thương hiệu tự tin vượt qua mọi thách thức.
Chuyện giữ thương hiệu thuần khiết của Ba Huân
Việc khởi nghiệp xây dựng thương hiệu thành công tạo được dấu ấn đã khó thì việc duy trì được giá trị thuần khiết mà thương hiệu tạo nên cũng không phải dễ dàng. Câu chuyện của thương hiệu Công ty TNHH Ba Huân có thể là ví dụ chân thực nhất.
Về câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng, hay dấu ấn thương hiệu của thương hiệu Ba Huân, có lẽ đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, thương vụ hợp tác với một quỹ đầu tư tài chính hồi năm 2018 bị đổ vỡ lại là một điểm nhấn đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp này.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân thành thật chia sẻ, đó là một quỹ lớn, họ sẽ hướng dẫn một công ty gia đình như Ba Huân tốt hơn về thị trường, công nghệ, quản trị. Nhưng điểm chính yếu làm cho thương vụ này đổ vỡ đó chính là sau ba năm đầu tư, quỹ này sẽ bán Ba Huân cho bên đối tác thứ ba.
“Cả nhà tôi gầy dựng nghề bán trứng đã nửa thế kỷ tâm huyết. Nếu bán đi, gia đình và nhiều người nữa sẽ mất đi một thương hiệu. Quyết định nào cũng có cái giá phải trả. Nhưng gia đình vẫn có một ý nghĩa lớn lao. Gia đình là điểm tựa để tôi níu giữ lại một thương hiệu cho ngành gia cầm trong nước”, bà Huân cho hay.
Bà Huân cho rằng, việc theo đuổi những giá trị thuần khiết của một thương hiệu vì cộng đồng, vì người nông dân thì việc giữ lại thương hiệu để chủ động hỗ trợ cộng đồng là điều ý nghĩa nhất.
Đơn cử như trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, Ba Huân đã từ chối tăng giá trứng dù được phép của sở công thương. Chuỗi sản xuất của Công ty Ba Huân không đứt là nhờ có 60% sản phẩm tự chăn nuôi và 40% bao tiêu. Vậy nên, trước đây, khi tham gia các chương trình bình ổn, chưa bao giờ doanh nghiệp bị hụt hàng.
Với giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM, bà Huân cho rằng đây là sự đồng hành và thấu cảm của TPHCM với những nỗ lực của doanh nghiệp. Giải thưởng nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu không chỉ là câu chuyện xây dựng một slogan hay logo…, nó là một câu chuyện truyền cảm hứng. Từ đó, để khách hàng cảm nhận, thấu hiểu và hành động cùng với sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, tối ưu giá trị hình ảnh của doanh nghiệp và lớn hơn là làm sắc nét hơn giá trị thương hiệu được tạo dựng bấy lâu nay của TPHCM.
Colusa-Miliket và sức sống bền bỉ ở thị trường ngách
Câu chuyện đi vào thị trường ngách của Công ty cổ phần Thực phẩm Colusa-Miliket là một ví dụ điển hình cho sự đa dạng trong chiến lược phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp.
Suốt gần hai thập kỷ cuối thế kỷ 20, mì hai con tôm Miliket thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam. Nhưng đỉnh cao này sớm bị “uy hiếp” khi người tiêu dùng có xu hướng “cao cấp hóa”, ưa mới lạ. Trước thách thức cạnh tranh, thương hiệu này tìm thị trường ngách để phát triển.
Theo đại diện Miliket, công ty tập trung vào đối tượng người tiêu dùng ở tầng lớp thấp, người lao động. Đồng thời hướng đến phân khúc thị trường chưa ông lớn nào chạm tới, đó là thay vì căng mình cạnh tranh trong thị phần tiêu dùng hàng ngày của người dân thì Miliket lại len lỏi vào những quán ăn, hàng lẩu.
Ngay trong đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên tại Việt Nam do Covid-19, Miliket bỗng trở nên “đắt như tôm tươi” bởi nhu cầu dự trữ của các gia đình. Lý do Miliket được lòng người tiêu dùng, bên cạnh chất lượng còn là là giá thành.
Hiện, giá mì ăn liền Miliket được xem là thấp nhất thị trường và duy trì được sức sống bền bỉ ở thị trường ngách. Đó là thành quả của cả một quá trình dài tìm tòi và duy trì sự gần gũi của thương hiệu với người tiêu dùng ở một ngách nhỏ của thị trường.
Nhìn lại những nỗ lực của mình khi được ghi nhận trong danh sách đề cử Thương hiệu vàng TPHCM 2021, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Colusa-Miliket, cho rằng đây là điều hết sức ý nghĩa, cho thấy sự ghi nhận của người tiêu dùng cũng như mối quan tâm của chính quyền thành phố đến nỗ lực bền bỉ và lâu dài của doanh nghiệp, dù hoạt động ở một phân khúc rất bình dân. Qua đó, còn cho thấy việc xây dựng thương hiệu không chỉ là những hoạt động lớn lao, mà ngay cả từ những việc rất nhỏ.
Chiến lược thương hiệu cũng không phải là kế hoạch truyền thông mà là hành động thực tiễn. Ông Tuấn kỳ vọng tinh thần của giải thưởng được lan tỏa để các doanh nghiệp nỗ lực hướng tới việc xây dựng thương hiệu mạnh và thực chất hơn.
Nguồn: KTSG Online
Bài viết liên quan
Hiểu đúng về nhượng quyền để kinh doanh thương hiệu franchise
(KTSG Online) – Có nhiều doanh nghiệp muốn nhượng quyền kinh doanh nhưng theo chuyên
Th6
CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên trải lòng chuyện hậu ‘tái sinh’
CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên đã xuống phố cùng chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn (chủ
Th2
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân bày cách nâng giá trị sản phẩm gấp 100 lần
Trong tập 3 của chương trình ‘Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk’ phát trên
Th2
Chiêu ‘xuất khẩu siêu hạng’ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thương hiệu Việt chưa thực sự xứng tầm với vị thế của nền kinh tế
Th2