Chiêu ‘xuất khẩu siêu hạng’ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

tltnghi.sct
06/02/23
0
970 lượt xem

Thương hiệu Việt chưa thực sự xứng tầm với vị thế của nền kinh tế Việt khi bước ra thế giới, phải làm gì để xuất khẩu thương hiệu, xuất khẩu mô hình kinh doanh khó hay dễ đối với các doanh nghiệp.

Chiêu xuất khẩu siêu hạng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.
Chuyên gia nhượng quyền và tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân cùng trao đổi với PGS.TS Trần Hà Minh Quân – viện trưởng viện Đào tạo quốc tế, về xuất khẩu thương hiệu đối với các doanh nghiệp

Đó là câu hỏi được PGS.TS Trần Hà Minh Quân – viện trưởng viện Đào tạo quốc tế (ISB thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM) đặt ra đối với chuyên gia hàng đầu về nhượng quyền và tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân – chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á, chủ tịch Go Global Group trong tập 3 của chương trình ‘Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk’ phát trên các nền tảng của Tuổi Trẻ.

Xuất khẩu thương hiệu là một “xuất khẩu siêu hạng”

Nặng lòng với hình ảnh của thương hiệu Việt trên trường quốc tế, PGS.TS Trần Hà Minh Quân đặt vấn đề dù các doanh nghiệp rất nỗ lực để có thể vượt biên giới, tuy nhiên thương hiệu Việt vẫn rất giới hạn trong mắt người tiêu dùng nước ngoài.

Do đó, ông Quân cho rằng cần có những giải pháp để thương hiệu Việt có thể tỏa sáng, bay xa bay cao. “Xuất khẩu mô hình kinh doanh, xuất khẩu thương hiệu thật sự khó hay dễ?”, ông Quân đặt vấn đề.

Đáp lời, chuyên gia Trần Phi Vân cho rằng “rất khó nhưng cũng rất dễ”. Theo bà Vân, rất khó có nghĩa là doanh nghiệp phải xây dựng bài bản, phải sử dụng khả năng của mình để xây dựng từ khâu nguyên liệu.

“Giống như câu chuyện con gà, ở Việt Nam nuôi gà rất nhiều nhưng đây là gà tươi. Phải nâng cấp lên thành chuỗi giá trị, thành những sản phẩm chế biến từ gà, những sản phẩm tiện lợi, trở thành những giải pháp để có bữa ăn từ gà tại nhà. Cuối cùng là làm sao để có một mô hình phục vụ tới tay người tiêu dùng ngay lập tức”, bà Vân nói.

Theo bà Vân, đó là giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị và nếu hiểu được điều đó thì mình có thể xây dựng qua từng bước, từ sản xuất để đi tới bước giải pháp, không dừng lại ở chuyện sản xuất ra sản phẩm hay nguyên vật liệu. Để làm được điều này, chuyên gia Phi Vân cho rằng cần tư duy, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.

Còn xuất khẩu thương hiệu dễ là nếu có tư duy đó từ hôm nay, lập tức các doanh nghiệp có thể xây dựng một mô hình với một doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng về kinh tế cũng như nguồn lực hạn chế.

“Đôi khi mình không cần phải sở hữu một bất động sản hay một cửa hàng, một nhà máy nào cả. Có rất nhiều thương hiệu trên thế giới ví dụ như Singapore hay Malaysia, họ làm rất tốt, họ xây thương hiệu xong và họ bán tất cả những tài sản của mình, chỉ sử dụng thương hiệu của mình để xuất khẩu mà thôi. Tất cả mọi người trên thế giới phải đi mua thương hiệu của họ để sử dụng, trả tiền cho thương hiệu đó lên đến 500.000 – 1 triệu đô cho 1 hay 5 năm”, bà Vân chia sẻ.

Theo bà Vân, phía doanh nghiệp phải mua toàn bộ sản phẩm và nguyên vật liệu từ thương hiệu đó để có thể kinh doanh nên đây là một hướng đi đột phá cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xuất khẩu được cả thương hiệu, mô hình, kèm theo nguyên vật liệu, sản phẩm được bán trong mô hình. “Đó là một cách xuất khẩu gọi là siêu hạng”, bà Vân khẳng định.

Tăng giá trị gấp trăm lần

Chiêu xuất khẩu siêu hạng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 2.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ cách để doanh nghiệp có thể nâng giá trị sản phẩm gấp 100 lần khi xuất khẩu

Theo bà Vân, trên thế giới, các doanh nghiệp chú tâm vào việc xuất khẩu thương hiệu và mô hình thay vì chú tâm vào sản phẩm. “Khi xuất khẩu thương hiệu, mô hình như vậy, về mặt giá trị nó sẽ tăng lên gấp 10, 100 lần”, bà Vân khẳng định.

Có thể chỉ ra Starbucks, Coffee Bean đã quá nổi tiếng về xuất khẩu thương hiệu. Hay Old Town White Coffee là một thương hiệu của Malaysia đã xuất khẩu cách uống cà phê bản địa của quốc gia này đi nhiều nước, mang lại giá trị thặng dư rất lớn. Từ đó, hạt cà phê, gạo, con gà, con cá hay những nông sản của Việt Nam, giày da, thậm chí là ẩm thực như phở… cũng đều có thể xuất mô hình, không đơn thuần là sản phẩm.

“Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk” là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) và các nền tảng truyền thông của Tập đoàn VCcorp như: Soha, CafeF, Cafebiz,…

Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.

Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.

Từ thực tế các thương hiệu trên thế giới khi xuất khẩu đều xuất phát từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó bà Vân cho hay đây chính là lợi thế cho những doanh nghiệp có quy mô tương tự ở Việt Nam. Theo bà, đây là “điểm sáng” và một giải pháp cực kỳ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế.

Tuy vậy, bà Vân lưu ý phải “đóng gói” mô hình thật bài bản mới có thể xuất khẩu bởi phần lớn các doanh nghiệp quy mô này thiếu kiến thức, kỹ năng, làm dịch vụ chưa tốt, chưa xây dựng mô hình tối ưu bởi “nhiều khi làm rất tốt chuyện sản xuất nhưng mà không biết làm dịch vụ”. Do đó, các doanh nghiệp cần sự trợ lực như sự hỗ trợ của các chương trình chính phủ như các nước đang làm hay sự hỗ trợ của các công ty chuyên nghiệp.

Theo bà Vân, “cửa sổ vàng” đối với các doanh nghiệp đi sau hiện nay là xây dựng những mô hình được gọi là số hoá để bắt kịp với tất cả những quốc gia và thị trường đã phát triển.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam rất linh hoạt, du kích thì chúng ta hãy sử dụng sự linh hoạt đó để chuyển đổi nhanh hơn. Như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội để ngang bằng trên đường đua này của thế giới”, bà Vân khẳng định.

3 bí quyết của chuyên gia khi xây dựng và xuất khẩu thương hiệu

1. Uy tín của thương hiệu: Bên muốn mua, cộng tác với thương hiệu sẽ tìm hiểu về thương hiệu, xem có bị “phốt”, có nợ thuế, có làm gì gian đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư…

Do đó, phải xây dựng thương hiệu bền vững, không phải “lùa gà”, giá trị nhân văn và trách nhiệm cộng đồng. Ví dụ, làm hạt cà phê có giúp cho những người trồng cà phê có sinh kế, có sống được bền vững.

2. Uy tín và giá trị của chính nhà sáng lập của thương hiệu: Bên cạnh thương hiệu, bên muốn mua cũng rất quan tâm đến uy tín người sáng lập.

3. Phải có hiệu quả về tài chính: Phải phân tích với mô hình như vậy, đem lại lợi ích về tài chính cho nhà đầu tư như thế nào và nếu bán thương hiệu, bao nhiêu năm với chi phí cộng thêm vào mô hình đó thì người ta có lãi hay không?

Mình phải chắc chắn là khi mình xuất khẩu mô hình về thương hiệu, nhà đầu tư phát triển kinh doanh bền vững mới xây dựng được cộng đồng phát triển bền vững cho thương hiệu của mình trên thế giới.

Trao giải “Thương hiệu Vàng” TP.HCM 2022

Vào 17h30 chiều nay 6-1, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Lễ trao giải “Thương hiệu Vàng” TP.HCM. Chương trình được tiếp sóng trực tiếp trên các nền tảng Fanpage và Youtube của Báo Tuổi Trẻ.

Đây là giải thưởng thường niên do UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ.

Giải thưởng là minh chứng cho những nỗ lực của doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền TP và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu mạnh của TP, góp phần vào quá trình xây dựng hình ảnh của một trung tâm kinh tế năng động, khẳng định uy tín và tạo bước tiến mới cho quá trình mở rộng sang thị trường quốc tế của TP.HCM.

Qua giải thưởng, TP muốn tạo động lực để khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn: tuoitre.vn